Đồ án là một phần không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên kiến trúc, đòi hỏi không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn cả tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành và khả năng thể hiện ý tưởng trực quan. Hãy cùng APA Academy tìm hiểu các bước cụ thể trong làm đồ án kiến trúc qua bài viết dưới đây!
Tổng Quan Về Đồ Án Kiến Trúc: Hành trình sáng tạo và thể hiện bản sắc
Đồ án kiến trúc là gì?
Đồ án kiến trúc, hơn cả một bài tập thông thường, là một dự án thiết kế toàn diện, đòi hỏi sinh viên kiến trúc phải vận dụng tổng hợp kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo để giải quyết một vấn đề thiết kế cụ thể.
Kiến trúc là một bộ môn nghệ thuật không có giới hạn sáng tạo,Sự tự do trong sáng tạo là yếu tố quan trọng giúp kiến trúc phát triển không ngừng theo hướng linh hoạt, đổi mới và cho phép kiến trúc sư:
- Khám phá hình thức mới, phá vỡ khuôn mẫu truyền thống.
- Phản ánh văn hóa và bối cảnh địa phương trong thiết kế.
- Kết hợp công nghệ và mỹ thuật để tối ưu hóa công năng và thẩm mỹ.
- Đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng đối tượng khách hàng và môi trường sử dụng.
Các yếu tố quan trọng trong một đồ án kiến trúc thành công
Để một đồ án kiến trúc không chỉ dừng lại ở mức hoàn thành mà thực sự gây ấn tượng và tạo dấu ấn, đòi hỏi sinh viên phải hội tụ đầy đủ những yếu tố quan trọng sau:
- Tính sáng tạo và độc đáo.
- Tính khả thi và phù hợp với thực tế.
- Khả năng thể hiện ý tưởng trực quan và mạch lạc.
- Khả năng thuyết trình và bảo vệ ý tưởng.

4 Bước Chinh Phục Đồ Án Cho Sinh Viên Kiến Trúc
BƯỚC 1: Chuẩn bị dữ liệu ( 1 ngày nếu đủ dữ liệu)
Thông tin chung về đồ án
- Tên đề tài: Xác định chủ đề, mục đích và phạm vi của đồ án.
- Chủ đầu tư (nếu có): Ai là khách hàng? Nhu cầu và yêu cầu của họ?
- Loại công trình: Nhà ở, thương mại, công cộng, cảnh quan, công nghiệp, v.v.
- Quy mô dự án: Diện tích, số tầng, công suất phục vụ, tổng mức đầu tư.
Phân tích bối cảnh & hiện trạng
- Vị trí khu đất: Địa điểm xây dựng, tọa độ, tiếp giáp. (Tìm trên Google Map; Google Earth) . Nếu là một khu đất giả tưởng thì nêu rõ các yếu tố trên thông qua bản sơ đồ vị trí.
- Quy hoạch đô thị: Chỉ tiêu quy hoạch, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. (Thường đã được các giảng viên đưa ra theo mẫu sẵn; các khu đất thực tế sẽ có dữ liệu trên trang thông tin chính thức)
- Điều kiện tự nhiên: Địa hình, khí hậu, hướng gió, ánh sáng, thủy văn. (Với khu đất thực tế thì cần nghiên cứu biểu đồ biểu kiến mặt trời : app Sunseeker (iOS/Android), web Profilesolar,… ; với các khu đất giả tưởng: các tool sử dụng trong phần mềm đồ họa (Sẽ được học trong các khóa học đồ họa của APA))
- Giao thông & hạ tầng kỹ thuật: Đường xá, cấp thoát nước, điện, viễn thông xung quanh khu đất
- Hồ sơ pháp lý: Quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng (nếu có).

Khảo sát nhu cầu & tham khảo tiền lệ
- Đối tượng sử dụng: Ai sẽ sử dụng công trình? (học sinh, nhân viên, cư dân, khách du lịch…)
- Nghiên cứu công trình tương tự: Tham khảo các dự án cùng loại trong và ngoài nước. ( Trang web nước ngoài: Archdaily.com, Houzz,…;Trong nước: Kienviet, Ashui, Tạp chí nhà đẹp,…)
- Phân tích ưu/nhược điểm của các thiết kế cùng yêu cầu đã có trước đó. (Phân tích nháp ra giấy rồi đem so sánh các công trình với nhau theo mục 1.2)
Yêu cầu thiết kế & tiêu chuẩn áp dụng
- Chức năng & phân khu: Công năng sử dụng của từng không gian. (Phân chia theo yêu cầu của đề bài mục 1.1 đưa ra)
- Tiêu chuẩn & quy chuẩn thiết kế (Tham khảo sách Dữ liệu kiến trúc sư, Lý thuyết thiết kế kiến trúc nhà ở,…)
- TCVN (Việt Nam) hoặc các tiêu chuẩn quốc tế liên quan. ( Tham khảo sách TCVN)
- Tiêu chuẩn an toàn (PCCC, kết cấu, chiếu sáng, thông gió…). (QCVN 18:2021/BXD, …)
- Yêu cầu về kết cấu, vật liệu & công nghệ.

Đa phần các dữ liệu về phần này khi thực hiện đồ án trên trường đã được các giảng viên hệ thống sẵn cho sinh viên. Nhưng khi sinh viên bắt tay vào nhận các dự án nhỏ như nhà dân thì công việc này sẽ khiến các bạn lúng túng và khó khăn rất nhiều.
Từ đó, việc tự hệ thống và tạo ra cho mình một quy chuẩn thiết kế phù hợp với bản thân nhưng không vượt quá các tiêu chuẩn khi tham gia các dự án thực tế sau này.
Các bạn có thể tham khảo: Tổng Hợp Các Đề Tài Đồ Án Tốt Nghiệp Kiến Trúc Mới Nhất
BƯỚC 2: Phân tích dữ liệu (Khoảng 1 – 2 tuần khi có đủ dữ liệu)
Đây là bước quan trọng để tạo nền tảng vững chắc cho ý tưởng thiết kế.
Xác định các loại dữ liệu cần phân tích
Sau khi hoàn thành giai đoạn thu thập dữ liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau và tập trung vào việc trích xuất những ý chính từ các thông tin cơ bản, sinh viên sẽ tiến vào giai đoạn phân tích chuyên sâu.
Trong quá trình này, sinh viên không chỉ đơn thuần sắp xếp, phân loại các dữ liệu đã thu thập mà còn tiến hành đánh giá, so sánh và tìm kiếm mối liên hệ giữa các yếu tố thông tin khác nhau.
Công tác phân tích này nhằm xác định các xu hướng, đặc điểm nổi bật cũng như những điểm bất thường trong khối lượng thông tin khổng lồ. Quá trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và khả năng xử lý dữ liệu hiệu quả, từ đó tạo nên nền tảng cho các phân tích tiếp theo và kết quả nghiên cứu chính xác.
Thông thường, giai đoạn này có thể kéo dài từ một đến hai tuần, tùy thuộc vào phạm vi và độ phức tạp của dữ liệu cũng như năng lực phân tích của từng sinh viên.
- Dữ liệu về địa điểm: vị trí, khí hậu, địa hình, giao thông, hạ tầng.
- Dữ liệu quy hoạch & pháp lý: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới đường đỏ.
- Dữ liệu về công năng & nhu cầu sử dụng: đối tượng sử dụng, mục đích công trình.
- Dữ liệu về tham khảo tiền lệ: các dự án tương tự, ưu & nhược điểm của chúng.
- Dữ liệu về vật liệu, kết cấu, công nghệ: khả năng ứng dụng trong thiết kế.

Phân tích tổng quan & đánh giá hiện trạng
- Lập sơ đồ SWOT (Điểm mạnh – Điểm yếu – Cơ hội – Thách thức) cho khu đất và thiết kế.
- Điểm mạnh để mở rộng, tận dụng triệt để (có không gian rộng thoáng xung quanh/ hình dáng khu đất đẹp/ có điều kiện tự nhiên thuận lợi: nắng gió vừa phải,…). Một khu đất càng nhiều thuận lợi thì càng dễ cho sinh viên tạo ra các tình huống, ý tưởng tạo hình.
- Điểm yếu để tạo ra cách xử lý, che đi, làm bớt các tác nhân gây hại (hướng tiếp cận công trình không thuận lợi (diện lớn quay về hướng mặt trời mọc, lặn) / Hình dáng khu đất bất lợi / cao độ của khu đất không đồng nhất (cao thấp khác nhau/ có chỗ trũng)
- Cơ hội là những điều kiện thuận lợi có thể cân nhắc đến để giải quyết và xử lí nếu có khả năng (khu đất gần hồ nước lớn, có công viên cây xanh xung quanh/ đường tiếp cận lớn,…)
- Thách thức là những điều kiện xung quanh tạo ra khiến sinh viên phải để ý đến ( khu dân cư xung quanh – vấn đề an ninh, tiếng ồn/ đường tiếp cận nhỏ,…)
- Đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên (nắng, gió, hướng tiếp cận, địa chất) vào khu đất và công trình
Phân tích nhu cầu & yêu cầu thiết kế
- Xác định đối tượng sử dụng: Ai là người sử dụng chính? (người dân, nhân viên, khách du lịch…). Từ việc này sẽ giúp sinh viên xác định được hệ thống giao thông xuyên suốt công trình, không bị tạo ra các xung đột, nút thắt giao thông, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
- Phân tích hành vi và thói quen của người dùng để tối ưu không gian.
Ví dụ: Trong một công trình công cộng như bệnh viện, trường học,.. có rất nhiều đối tượng sử dụng bao gồm: cán bộ nhân viên thì có những nhu cầu ra sao? Làm sao để đảm bảo tính an ninh, an toàn cho nhân viên?
Đối tượng được phục vụ thì cần có lối đi tiếp cận thế nào? Có nên dùng cùng lối đi với cán bộ công nhân viên? Nếu không thuận lợi để có nhiều lối tiếp cận, nên xử lý phân khu chức năng bên trong ra sao để không xung đột?
- Định hình phong cách kiến trúc & hình thức công trình theo xu hướng và yêu cầu.
Ví dụ: Các công trình công nghiệp (Đồ án K6) nên đảm bảo thông thoáng, đúng yêu cầu kĩ thuật nên trong trường hợp này việc định hình phong cách và tạo hình cho công trình chỉ nên chiếm 10 – 15% so với tổng thời gian nghiên cứu phân tích.
Các công trình công cộng đặc thù như trường học (Đồ án K4) lại phải đảm bảo sự an toàn về an ninh, tiếng ồn, đảm bảo đủ ánh sáng, tiện nghi cho các phòng học, nguyên lí xây dựng ( khối phòng học trục bắc – nam, trường dành cho bé mầm non khác gì với trường cấp 3, đại học?…)
So sánh & rút kinh nghiệm từ công trình tham khảo
- Tìm điểm chung và khác biệt giữa dự án của bạn với các công trình tương tự.
Việc tập trung nghiên cứu của bản thân, brainstorm xong là thực hiện xong phần chủ quan của chính sinh viên đó. Sự so sánh với các đồ án khác hoặc công trình khác tạo nên cái nhìn toàn diện và khách quan hơn khi thấy cách xử lí vấn đề của những người đi trước.
- Học hỏi giải pháp hay về mặt bằng, công năng, kết cấu, vật liệu.
Tránh việc râu ông nọ cắm cằm bà kia, việc bạn học hỏi là tốt, nhưng không phải tất cả các giải pháp tốt để cạnh nhau sẽ ra một đồ án đẹp. Việc lạm dụng và học hỏi quá nhiều khiến bạn thiếu đi sự phát triển tự thân, phụ thuộc, “rén tay”.
- Khắc phục nhược điểm mà các công trình trước gặp phải.
Hãy mạnh dạn đưa ra các giải pháp mới và hỏi người thầy hướng dẫn của bạn. Đừng sợ các thầy, vì họ sẽ luôn muốn cho sinh viên những lời khuyên để phát triển hơn.
Định hướng thiết kế dựa trên dữ liệu đã phân tích
Trong bước phân tích, khi bạn đặt càng nhiều câu hỏi và kĩ lưỡng về cách tư duy. Tuy ngay lúc đó sẽ khiến sinh viên phải xử lí nhiều thông tin nhưng sẽ khiến bạn càng dễ tạo ra một sản phẩm đạt yêu cầu về công năng.
Sau khi có đủ thông tin, bạn sẽ:
- Xác định giải pháp mặt bằng hợp lý theo phân tích nhu cầu & địa điểm.
- Lựa chọn hình thức kiến trúc phù hợp với công năng & bối cảnh.
- Chọn vật liệu & công nghệ xây dựng đảm bảo hình dạng đẹp, bền vững.
- Thiết lập nguyên tắc thiết kế dựa trên khu đất và tiêu chuẩn kỹ thuật, các phân tích.
Khi làm bước phân tích dữ liệu tốt sẽ tạo một dòng chảy thông tin và cảm xúc, cảm hứng sáng tạo cho sinh viên bước đến bước tiếp theo – Phần 3: XÂY DỰNG Ý TƯỞNG THIẾT KẾ
BƯỚC 3: Xây dựng ý tưởng thiết kế
Xác Định Hướng Tiếp Cận Thiết Kế
Sau khi thu thập và phân tích các dữ liệu cơ bản từ khu đất (bao gồm địa hình, khí hậu, giao thông và hạ tầng), sinh viên có thể tổng hợp thông tin để nhận diện ưu, nhược điểm của khu vực.
Điều này tạo nền tảng cho việc đưa ra các giải pháp tối ưu, xác định rủi ro và hạn chế cần khắc phục, giúp đồ án có cơ sở lý thuyết vững chắc.
Đồng thời, cần xác định rõ đối tượng sử dụng công trình (như công, nhân viên hay khách hàng) và xem xét quy định quy hoạch, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cũng như cập nhật xu hướng kiến trúc năm 2025.
Tùy theo mục tiêu, bạn có thể lựa chọn một hoặc kết hợp các phương án tiếp cận:
- Dựa trên công năng: Ưu tiên sự bố trí không gian hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng.
- Dựa trên hình thức: Tập trung vào ngôn ngữ kiến trúc, sự tinh tế trong thẩm mỹ.
- Dựa trên bối cảnh: Hòa nhập công trình với môi trường xung quanh.
- Dựa trên công nghệ: Áp dụng vật liệu và kết cấu tiên tiến.
- Dựa trên bền vững: Tối ưu hóa năng lượng và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Xác Định Concept Thiết Kế Chủ Đạo
Bạn cần tìm nguồn cảm hứng từ bối cảnh, văn hóa, công năng hoặc hình thái đặc trưng để định hình ý tưởng trung tâm cho dự án. Các hướng khai thác chủ yếu bao gồm:
- Hình khối:
- Mô-đun: Các khối chức năng đơn giản, có khả năng lắp ghép linh hoạt.
- Organic: Hình dáng tự nhiên với đường nét mềm mại, gắn liền với văn hóa địa phương.
- Geometric: Sử dụng các hình học đối xứng, tạo nên không gian hiện đại và logic.
- Không gian:
- Không gian mở: Kết nối các khu vực chặt chẽ, thúc đẩy sự thông thoáng và giao tiếp.
- Không gian đóng: Phân chia rõ ràng để đảm bảo an ninh và riêng tư.
- Không gian xuyên suốt: Cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa các chức năng khác nhau.
- Phân tầng: Tận dụng chiều cao để tối ưu hóa diện tích sử dụng.
- Vật liệu: Lựa chọn giữa kính, bê tông, gỗ, kim loại… sao cho phù hợp với mục đích sử dụng và đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ.
- Concept xanh: Tập trung vào tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên, thông gió và tích hợp cây xanh nhằm tạo nên môi trường sống bền vững.
Để trực quan hóa ý tưởng, sinh viên nên sử dụng sơ đồ (như Bubble Diagram hoặc Sketch) nhằm phân chia các khu chức năng chính và minh họa mối liên hệ, luồng di chuyển giữa các “bong bóng” ý tưởng, từ đó hình thành cấu trúc tổng thể ban đầu của dự án.

Phát Triển Ý Tưởng Thành Hình Thức Kiến Trúc
- Bố cục tổng thể:
Xây dựng sơ đồ tổng thể xác định vị trí và mối liên hệ giữa các khối chức năng dựa trên công năng sử dụng, đồng thời kết hợp yếu tố tự nhiên của khu vực để tạo nên một không gian hài hòa. - Quan hệ giữa các khối:
Phân chia các khối theo chức năng (ví dụ: hành chính, sản xuất, dịch vụ công cộng) và kết hợp với các yếu tố thẩm mỹ để đảm bảo sự liên kết trực quan, tạo điều kiện cho luồng di chuyển hợp lý. - Định hướng các yếu tố chủ chốt:
- Lối vào: Xác định điểm truy cập chính với tính mời gọi và kết nối mạnh mẽ với không gian bên ngoài.
- Điểm nhấn: Lựa chọn một hoặc một vài chi tiết nổi bật (qua hình khối, ánh sáng hoặc màu sắc) để tạo dấu ấn riêng.
- Cao độ: Phân bố độ cao hợp lý, làm phong phú không gian và tối ưu hóa chức năng sử dụng.
- Giao thông nội bộ: Thiết lập luồng di chuyển rõ ràng, đảm bảo tính thông thoáng và an toàn cho người dùng.
- Tỷ lệ và mối liên hệ không gian:
Xác định sự cân đối giữa khối công trình và không gian mở xung quanh như công viên, lối đi bộ, tạo cảm giác rộng rãi và thống nhất giữa kiến trúc và môi trường. - Thiết kế mặt bằng chức năng:
Dựa trên nhu cầu sử dụng, bố trí không gian theo chức năng với sự phân cấp rõ ràng giữa các khu vực chính – phụ và không gian riêng tư – công cộng nhằm tối ưu hóa hiệu quả vận hành và đảm bảo an toàn. -
Phát triển hình thức cuối cùng:
- Phong cách kiến trúc: Xác định phong cách phù hợp (hiện đại, cổ điển, tối giản, bền vững…) với concept chủ đạo.
- Lựa chọn vật liệu: Chọn vật liệu ứng dụng dựa trên công năng và giá trị thẩm mỹ của dự án.
- Điểm nhấn thiết kế: Tạo sự khác biệt thông qua cách phối hợp hình khối, ánh sáng và màu sắc nhằm khẳng định bản sắc riêng của công trình.
Kiểm Tra Và Điều Chỉnh Ý Tưởng
- Đánh giá lại concept:
Kiểm tra các khía cạnh như sự phù hợp với công năng sử dụng, tuân thủ quy chuẩn xây dựng và quy hoạch, tính khả thi của kết cấu và vật liệu, sự hài hòa về mặt thẩm mỹ và môi trường cũng như yếu tố sáng tạo độc đáo. - Điều chỉnh & tối ưu thiết kế:
Dựa trên các phản hồi từ giảng viên, chủ đầu tư hoặc nhóm, rà soát lại toàn bộ phân tích và các quyết định ban đầu. Từ đó cập nhật và điều chỉnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công năng, vật liệu và thẩm mỹ của dự án.
Trình Bày Ý Tưởng Thiết Kế
- Lập bản vẽ sơ bộ:
- Mặt bằng: Trình bày bố trí các khu chức năng, không gian công cộng và lối đi chính.
- Mặt cắt: Minh họa cách phân chia các tầng, cao độ và mối liên kết giữa các không gian.
- Mặt đứng: Thể hiện hình thức bên ngoài, làm nổi bật sự kết hợp giữa các khối kiến trúc và vật liệu.
- Phối cảnh concept:
Tạo hình ảnh phối cảnh (bằng tay hoặc 3D) để truyền tải tổng thể ý tưởng và điểm nhấn của thiết kế. - Chuẩn bị thuyết minh ý tưởng:
- Giải thích concept & lựa chọn hướng thiết kế: Trình bày nguồn cảm hứng, bối cảnh và giá trị mà ý tưởng mang lại.
- Các giải pháp tối ưu: Mô tả cách giải quyết công năng, lựa chọn vật liệu và các biện pháp bảo vệ môi trường, kèm theo ứng dụng công nghệ hiện đại.
- Điểm nhấn sáng tạo: Nhấn mạnh những yếu tố độc đáo, từ cách bố trí khối đến chi tiết kiến trúc nổi bật, tạo nên bản sắc riêng cho dự án so với các công trình khác.
Bước 4: Thể hiện bản vẽ đồ án
Sau khi đã hoàn thành các bước phân tích bối cảnh, lên ý tưởng và thiết kế sơ phác, việc thể hiện bản vẽ đồ án một cách chuyên nghiệp và ấn tượng là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của đồ án.
Đây là giai đoạn sinh viên cần “biến” những ý tưởng trừu tượng thành những bản vẽ trực quan, sinh động và đầy thuyết phục.
Chuyển hóa ý tưởng thành bản vẽ kỹ thuật chi tiết:
- Dựa trên các bản vẽ sơ phác và mô hình 3D đã thực hiện, sinh viên cần hoàn thiện các bản vẽ kỹ thuật chi tiết, bao gồm:
- Bản vẽ mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, chi tiết cấu tạo.
- Bản vẽ phối cảnh nội thất, ngoại thất.
- Bản vẽ quy hoạch tổng thể (nếu có).
- Các bản vẽ cần đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, thể hiện đầy đủ các thông tin về kích thước, vật liệu, kết cấu và các yếu tố kỹ thuật khác.
Sử dụng công cụ đồ họa chuyên nghiệp:
- Sử dụng các phần mềm đồ họa chuyên nghiệp như AutoCAD, Revit, SketchUp, 3ds Max, Lumion, v.v. để tạo ra những bản vẽ và hình ảnh 3D chất lượng cao.
- Thể hiện ý tưởng một cách trực quan và sinh động, giúp người xem dễ dàng hình dung về không gian và hình khối của công trình.
- Lựa chọn phong cách thể hiện đồ họa phù hợp với ý tưởng thiết kế và đối tượng người xem.
Trình bày bản vẽ một cách logic và hấp dẫn:
- Sắp xếp các bản vẽ một cách logic, theo trình tự từ tổng quan đến chi tiết.
- Sử dụng các chú thích, ghi chú rõ ràng để giải thích các thông tin trong bản vẽ.
- Thiết kế bảng thuyết minh và trình bày đồ án một cách ấn tượng, thu hút sự chú ý của hội đồng giám khảo.
- Luyện tập trình bày và bảo vệ đồ án một cách tự tin và chuyên nghiệp.
Việc thể hiện bản vẽ đồ án một cách chuyên nghiệp không chỉ giúp sinh viên truyền tải ý tưởng một cách hiệu quả mà còn thể hiện năng lực và sự tâm huyết của mình đối với đồ án.
Các bạn có thể tham khảo: Gợi Ý Cách Tạo Nên Một Đồ Án Kiến Trúc Chuẩn Format
Kết Luận
Với 4 bước chinh phục đồ án kiến trúc đạt điểm A mà APA Academy đã chia sẻ, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ có thêm những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự tin bước vào quá trình chinh phục đồ án.